Hành lang lộ giới là gì? Quy định về lộ giới trong xây dựng
Hành lang lộ giới là gì? Làm thế nào để xác định hành lang lộ giới? Khi xây dựng công trình cần chú ý những gì để không bị vi phạm pháp luật? Sau đây Nghemoigioi sẽ giúp bạn tìm đáp án chính xác cho những câu hỏi trên.
Hành lang lộ giới là gì?
Hành lang lộ giới còn được gọi là hành lang an toàn đường bộ.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ (kể cả phần mặt nước dọc hai bên cầu phao, bến phà, tầng hầm, cầu bê tông) nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.
Việc xác định hành lang lộ giới là cần thiết và bắt buộc đối với mỗi công trình, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường bộ.
Giới hạn hàng lang lộ giới
Giới hạn hành lang lộ giới là gi? Giới hạn hành lang lộ giới được xác định theo quy hoạch đường bộ và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giới hạn về hành lang an toàn đường bộ đã được quy định tại Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP).
Mỗi loại đường sẽ có giới hạn hành lang lộ giới khác nhau. Phạm vị giới hạn hành lang an toàn tính từ đất của đường bộ trở ra của một số tuyến đường như sau:
Tuyến đường ngoài đô thị
- Đường cấp I, II: Giới hạn là 17m;
- Đường cấp III : 13m;
- Đường cấp IV, V: 09m;
- Đường thấp hơn cấp V: Giới hạn là 04m.
Tuyến đường đô thị:
- Đối với tuyến đường đô thị thì giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt.
Tuyến đường cao tốc ngoài đô thị
- Hành lang lộ giới là 17m tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên;
- Đối với hầm và cầu cạn thì tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng là 20m;
- Nếu đường cao tốc có đường bên thì căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường bên để xác định hành lang an toàn theo Khoản 1 Điều này nhưng không được nhỏ hơn giới hạn hành lang an toàn được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều này.
Đối với cao tốc trong đô thị
- Với hầm và cầu cạn thì giới hạn không nhỏ hơn 10m tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên;
- Đối với hầm và cầu cạn có đường bên và đường cao tốc có đường bên thì giới hạn này chính là chỉ giới đường đỏ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với đường cao tốc không có đường bên thì giới hạn tính từ mép ngoài của mặt đường đến chỉ giới đường đỏ nhưng không nhỏ hơn 10m
Đường bộ và đường sắt liền kề nhau
- Trường hợp đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng hành lang lộ giới dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ.
- Trong trường hợp đường bộ và đường sắt liền kề có chung rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn. Nếu hai bên có cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt.
Đường bộ và đường thủy liền kề nhau
- Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa thì ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.
Xử lý xâm lấn, vi phạm hành lang lộ giới
Nếu các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ thì xử phạt như thế nào?
Theo Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì các cá nhân, tổ chức cố ý xâm lấn vi phạm hành lang lộ giới sẽ bị phạt hành chính từ 2 – 6 triệu đồng khi chiếm đất cho hoạt động kinh doanh. Các cơ quan có thẩm quyền xử lý được quy định trong Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt từ 15 – 40 triệu đồng cho đối tượng cố ý chiếm dụng để xây dựng công trình, nhà ở theo Điểm a khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cơ quan có thẩm quyền xử lý căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Một số thuật ngữ liên quan khác
Lộ giới
Lộ giới là thuật ngữ dùng để mô tả ranh giới trong quy hoạch mở đường, hoặc mở ngõ, hẻm. Khoảng cách này này được tính từ tim đường sang 2 bên cho đến điểm cuối cùng của chiều rộng. Vì vậy lộ giới bao gồm cả lòng đường, lề đường và vỉa hè.
Khi thực hiện quy hoạch, các cơ quan thực thi thường cắm cọc mốc lộ giới ở hai bên đường để đánh dấu cho người dân biết và không lấn chiếm đất trong khu vực quy hoạch.
Chỉ giới đường đỏ
Chỉ giới đường đỏ ranh giới để phân định giữa phần đất được phép xây dựng công trình và phần đất dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng, công cộng khác (tham khảo Điều 3 Luật xây dựng 2014).
Chỉ giới xây dựng
Ta có thể hiểu nôm na chỉ giới xây dựng là đường giới hạn mà người dân có thể xây dựng trong khu vực đất đó.
Cụ thể hơn thì chỉ giới này là mốc giới hạn cho phép người dân xây dựng các công trình cũng như nhà ở. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm tiến hành xây dựng nhà hoặc các công trình trong khoảng đất này mà vẫn đảm bảo đúng với những quy định của pháp luật.
Khoảng lùi xây dựng
Khoảng lùi xây dựng (khoảng lùi) là khoảng cách giữa chỉ giới giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ.
Tiêu chuẩn lộ giới trong xây dựng
Trong xây dựng chiều cao của các công trình cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chiều cao tối đa phụ thuộc vào mốc lộ giới, còn chiều cao tối thiểu thì phụ thuộc vào chiều cao quy hoạch chung của khu dân cư. Khi thi công bất cứ dự án nào, các bạn nên xác định rõ lộ giới để tính toán khoảng lùi và chiều cao phù hợp cho công trình.
Tiêu chuẩn về mốc lộ giới và chiều cao của các công trình được tính như sau:
Tuyến đường lộ giới dưới 19m
- Nếu công trình cao dưới 19m thì không cần cách lộ giới. Có nghĩa là ngôi nhà được xây sát vỉa hè.
- Nếu công trình cao từ 19m – 22m thì phải cách mốc lộ giới 3m.
- Nếu công trình cao từ 22m – 25m thì phải cách mốc lộ giới 4m.
- Nếu công trình cao từ 28m trở lên thì phải lùi cách mốc lộ giới 6m.
Tuyến đường có lộ giới từ 19m – 22m
- Nếu công trình xây dựng cao dưới 22m không cần phải thụt lùi vào trong. Nghĩa là ngôi nhà đó cũng được phép xây dựng sát vỉa hè.
- Nếu công trình xây dựng cao từ 22m – 25m sẽ lùi cách mốc lộ giới là 3m.
- Nếu công trình xây dựng cao từ 28m trở lên thì phải cách mốc lộ giới là 6m.
Tuyến đường có lộ giới từ 22m trở lên
- Nếu công trình có chiều cao thấp hơn 25m thì không cần phải lùi cách mốc lộ giới.
- Nếu chiều cao của công trình cao hơn 28m thì phải lùi cách mốc lộ giới 6m.
Theo quy định ở trên thì ta thấy được là khi thi công, xây dựng bất kỳ một công trình nào đều phải đảm bảo đáp ứng được 2 yếu tố là chiều cao của công trình và khoảng cách so với mốc lộ giới. Công trình càng cao thì khoảng lùi so với mốc lộ giới càng lớn. Vậy nếu vi phạm quy định trên thì sao? Các bạn hãy đọc mục bên dưới đây để biết thêm thông tin nhé.
Công trình xây dựng vi phạm mốc lộ giới
Khi quy định đã được đặt ra, bất kể cá nhân hay tổ chức nào vi phạm cũng sẽ bị phạt. Đối với những công trình xây dựng vi phạm mốc lộ giới thì Nhà nước sẽ yêu cầu phá bỏ phần công trình nằm trong lộ giới, áp dụng cưỡng chế để phá dỡ và phạt tiền theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt được quy định trong Khoản 7 và Khoản 8 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP 27/11/2017. Theo đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cố ý xây dựng vi phạm mốc lộ giới sẽ bị phạt hành chính tối đa 60 triệu đồng. Nếu sau khi bị lập biên bản vẫn cố ý tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt từ 50 – 350 triệu đồng.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên của Nghemoigioi giúp các bạn hiểu được hành lang lộ giới là gì? Nắm bắt được những quy định về giới hạn của hành lang lộ giới, cũng như quy định về lộ giới trong xây dựng các công trình để đảm bảo thực thi theo đúng pháp luật.