Chứng thư bảo lãnh là gì? Những lưu ý về chứng thư bảo lãnh?
Hiện nay khi muốn vay một số tiền lớn, nhiều khách hàng gặp lúng túng trước yêu cầu cần có chứng thư bảo lãnh. Vậy chứng thư bảo lãnh là gì? Quy trình để làm chứng thư bảo lãnh ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Chứng thư bảo lãnh là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản chứng thư bảo lãnh là một văn bản cam kết giữa bên bảo lãnh (thường là các quỹ tín dụng) và bên được bảo lãnh, trong đó bên bảo lãnh sẽ có nghĩa phụ thanh toán các khoản nợ thay khi bên được bảo lãnh không đủ khả năng chi trả đúng hạn hoặc không đủ khả năng chi trả đầy đủ.
Theo quy định hiện hành, các bên liên quan đến chứng thư bảo lãnh sẽ được phân chia như sau:
Bên bảo lãnh là một quỹ bảo lãnh tín dụng đứng ra đảm bảo các khoản vay.
Bên được bảo lãnh là chủ thể được quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh các khoản nợ của mình.
Bên nhận bảo lãnh là các tổ chức cho vay được pháp luật công nhận như ngân hàng.
Chứng thư bảo lãnh chỉ có hiệu lực khi Hợp đồng cấp bảo lãnh được lập đúng quy định pháp luật, các bên có đầy đủ điều kiện để bảo lãnh, được bảo lãnh.
Nội dung chứng thư bảo lãnh.
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 34/2018/NP-CP về nội dung của một Chứng thư bảo lãnh sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Các thông tin như tên, địa chỉ của các bên liên quan: bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh.
Thời gian phát hành chứng thư bảo lãnh, kèm theo bản chi tiết nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.
Những điều kiện cụ thể áp dụng vào việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Thời điểm hiệu lực của chứng thư bảo lãnh được bắt đầu.
Văn bản, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh với bên bảo lãnh.
Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên được nhắc trong chứng thư bảo lãnh.
Văn bản liên quan đến nội dung xử lý các vấn đề giải quyết tranh chấp nếu có.
Các biện pháp tiến hành thu hồi nợ bên nhận bảo lãnh phải thực hiện, nếu bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, kèm theo phương thức chứng minh đã thực hiện các biện pháp này trước khi thông báo cho bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định.
Các nội dung khác theo như thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Trong trường hợp chứng thư bảo lãnh có sai sót cần sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ sẽ phải có sự thỏa thuận và thống nhất giữa các bên.
Quy trình cấp chứng thư bảo lãnh.
Khách hàng có nhu cầu vay nợ sẽ ký một văn bản cam kết với bên cho vay, và nếu trong văn bản cam kết yêu cầu phải có bên bảo lãnh, khách hàng sẽ phải chuẩn bị hồ sơ để đề nghị xin chứng thư bảo lãnh đến bên bảo lãnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ để xin bảo lãnh sẽ gồm các loại giấy tờ sau:
+ Văn bản đề nghị bảo lãnh theo mẫu pháp luật quy định.
+ Văn bản chứng minh đủ điều kiện để được hưởng bảo lãnh. Đối với các cá nhân cần các giấy tờ chứng minh tài chính: tài sản bất động sản (sổ đỏ), tài sản có giá trị (sổ tiết kiệm). Còn với các doanh nghiệp cần hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp, hồ sơ tài chính, tài sản đảm bảo.
Sau khi chuẩn bị xong, bên được bảo lãnh sẽ nộp hồ sơ này đến Qũy bảo lãnh tín dụng có thẩm quyền thể theo quy định của pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp có thể nộp đến Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương đang hoạt động.
Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ tiến hành thẩm định đầy đủ và kỹ lưỡng hồ sơ nhận được từ khách hàng. Nếu được thông qua sẽ tiến hành làm hợp đồng cấp bảo lãnh và chứng thư bảo lãnh.
Sau khi các bên ký kết xong, Quỹ bảo lãnh tín dụng thông báo chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh.
Chứng thư bảo lãnh quy định rõ ràng các nội dung cơ bản trong hợp đồng cấp bảo lãnh, và đề cập rõ các tài liệu mà bên nhận bảo lãnh phải có, trong trường hợp cần chứng minh sự vi phạm hợp đồng của bên được bảo lãnh, đồng thời quy định rõ các hình thức chi trả cho bên nhận bảo lãnh.
Những rủi ro thường gặp trong chứng thư bảo lãnh.
Khi khách hàng muốn vay nợ cần đến chứng thư bảo lãnh sẽ gặp một số rủi ro như sau:
– Rủi ro xảy ra khi các điều kiện thanh toán không khả thi, dễ xảy ra tranh chấp.
Theo như quy định hiện hành, trong trường hợp đã đến hạn thanh toán, nhưng bên được bảo lãnh chưa thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, để bên nhận bảo lãnh chứng minh được việc họ đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng không được, đồng thời chứng minh việc bên được bảo lãnh đang vi phạm hợp đồng, thì bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ thay cho bên được bảo lãnh.
Tuy nhiên, việc xác định bên nào vi phạm hợp đồng, bên nào không sẽ do tòa án đưa ra phán quyết. Vậy nên, bên bảo lãnh rơi vào tình trạng không thể thanh toán khoản nợ đã đứng ra bảo đảm, cũng không thể “ép buộc” bên được bảo lãnh nhận khoản nợ được.
– Rủi ro tiếp theo có thể xảy ra là khi chủ thể ký phát hành bảo lãnh không đúng thẩm quyền, dẫn đến việc bên phát hành có thể từ chối bảo lãnh dựa vào pháp luật hiện hành. Dễ xảy ra tình trạng sử dụng con dấu và chữ ký giả để giả danh người có thẩm quyền bên phát hành bảo lãnh.
– Rủi ro bên bảo lãnh có thể gặp phải là gặp khó khăn trong việc được thanh toán khoản bảo lãnh trong trường hợp khi doanh nghiệp được bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản.
Kết luận.
Quy trình để được phát hành chứng thư bảo lãnh, cũng như những rủi ro gặp phải trong loại hình này đều đã được đề cập ở bài viết trên. Các bạn có thể cân nhắc để chọn cho mình được một loại hình phù hợp. Và nếu có thắc mắc gì thêm, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.