Cách Tính Lãi Suất Vay Ngân Hàng Nhanh Chóng, Đơn Giản
Cách tính lãi suất vay ngân hàng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các khách hàng có nhu cầu về tài chính mà chọn giải pháp vay vốn tại các ngân hàng vừa uy tín vừa mang lại ít rủi ro hơn so với các hình thức khác. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng nghemoigioi tìm hiểu cách tính lãi suất mà các ngân hàng hiện nay hay áp dụng đối với khoản vay của các khách hàng để có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả nhất.
Lãi suất vay ngân hàng là gì?
Trước tiên, có thể hiểu lãi suất vay ngân hàng là lãi suất tính trên số tiền vốn mà khách hàng vay ngân hàng. Theo đó, nó được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa mức lãi nhất định do các ngân hàng quy định và tiền vốn vay ban đầu.
Số tiền mà khách hàng phải trả ngân hàng mỗi tháng sẽ được tính dựa trên số tiền vay ban đầu cộng với mức lãi suất nhất định.
Kỳ hạn trả nợ cho ngân hàng thường là 1, 3, 6 tháng hay 1 năm tùy vào nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người.
Các hình thức cho vay phổ biến của các ngân hàng
Vay tín chấp
Vay tín chấp là hình thức vay dựa trên uy tín của khách hàng mà không cần tài sản đảm bảo cho khoản vay đó. Ngân hàng sẽ xem xét đến uy tín và năng lực tài chính của khách hàng để quyết định hạn mức và thời gian vay phù hợp.
Khách hàng có thể vay từ vài triệu đến vài trăm triệu nếu đủ điều kiện hồ sơ của ngân hàng để có thể phục vụ việc tiêu dùng, cưới hỏi, du lịch, mua sắm,…
Lãi suất vay tín chấp ngân hàng thời hạn 1 năm khi có ưu đãi thường rơi vào khoảng từ 10 – 16%/ năm tùy vào ngân hàng và số tiền vay khác nhau. Khi không còn ưu đãi, thì các ngân hàng sẽ duy trì mức lãi suất từ 16 – 25%/năm.
Với nhiều ưu điểm như thủ tục nhanh gọn và không cần tài sản đảm bảo, thời gian duyệt hồ sơ nhanh, số tiền vay được cũng khá cao, lãi suất vay tín chấp thường được các ngân hàng áp dụng cố định trong một khoảng thời gian vay vốn nhất định.
Cách tính lãi suất vay ngân hàng theo hình thức này dựa trên cách tính dư nợ giảm dần đang được nhiều người lựa chọn.
Vay thế chấp
Đây là hình thức vay vốn cần có tài sản mà khách hàng có quyền sở hữu để đảm bảo cho khoản vay trong thời gian vay. Lãi suất vay thế chấp sẽ cố định trong thời kỳ đầu sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất trên thị trường.
Cách tính lãi suất vay ngân hàng theo hình thức này thường ở các mức khác nhau tùy theo mục đích vay vốn có thể lên tới hàng tỷ đồng. Khách hàng thường vay theo hình thức này khi cần một khoản tiền lớn có thể để mua bất động sản, ô tô, vay tiêu dùng,…
Vay thấu chi
Khi vay thấu chi, ngân hàng sẽ cấp cho khách hàng một số tiền mà bạn có thể chi tiêu vượt hơn số tiền thực có trong tài khoản của khách hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi suất vay dựa trên số tiền khách hàng chi tiêu vượt mức đó. Số tiền mà ngân hàng cấp sẽ phụ thuộc vào độ uy tín của khách hàng.
Ví dụ: Trong tài khoản của khách hàng có 1 triệu, ngân hàng sẽ cấp hạn mức thấu chi là 20 triệu đồng. Nếu trong quá trình chi tiêu, khách hàng tiêu hết 10 triệu thì tức là đã tiêu vượt mức 9 triệu và khi đó ngân hàng sẽ tính lãi suất vay trên số tiền 9 triệu chi tiêu vượt mức đó cho đến khi khách hàng trả hết số nợ đó.
Xem thêm:
Những loại lãi suất vay ngân hàng phổ biến là gì?
Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng được chia làm 3 loại chính: lãi suất cố định, thả nổi và hỗn hợp. Cách tính lãi suất vay ngân hàng trên mỗi loại cũng không giống nhau.
Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là mức lãi suất sẽ được giữ nguyên trong suốt thời hạn của khoản vay mà không chịu tác động của những biến động trên thị trường.
Ưu điểm: khách hàng có thể tính trước được tất cả chi phí liên quan đến khoản vay do lãi suất giữ nguyên ngay cả khi lãi suất trên thị trường tăng lên từ đó mà có kế hoạch sử dụng khoản vay hợp lý.
Nhược điểm duy nhất của cách tính lãi suất vay ngân hàng cố định là khi trên thị trường có biến động làm giảm lãi suất thì khách hàng vẫn không được giảm mà vẫn giữ nguyên.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị A vay số tiền là 50 triệu đồng trong vòng 1 năm với mức lãi suất cố định là 12%/năm. Như vậy, ta có thể tính được số tiền lãi mà chị A phải trả hàng tháng là:
Lãi suất hàng tháng = Số tiền vay * Lãi suất/12 tháng = 50.000.000 *(12%/12) = 500.000 đồng.
Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là loại lãi suất có sự thay đổi, điều chỉnh theo thời gian. Mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào biến động của thị trường, có thể là tăng nhưng cũng có thể giảm.
Cách tính lãi suất vay ngân hàng trong trường hợp này: Mức lãi suất thả nổi = chi phí vốn + chi phí vốn cố định + biên độ lãi suất thay đổi.
- Số tiền lãi suất phải trả hàng tháng = (Số tiền vay vốn * Lãi suất cố định)/12
Sau khoảng thời hạn trả lãi cố định thì sẽ áp dụng công thức tính lãi suất thả nổi như sau:
- Số tiền lãi suất phải trả hàng tháng = (Số tiền vay vốn * Lãi suất thả nổi tại thời điểm hiện tại)/12.
Hãy cùng xem xét ví dụ sau đây: Anh Nguyễn Văn B vay ngân hàng 50 triệu đồng với thời hạn 1 năm và mức lãi suất là 1%/tháng trong 6 tháng đầu. Kể từ tháng thứ 7, việc tính lãi suất sẽ theo biến động của thị trường (có thể cao hơn hoặc thấp hơn lãi suất đã ghi trong hợp đồng)
Như vậy, giả sử lãi suất biến động tăng trên thị trường lên 1,25%/tháng thì ta có:
Số tiền lãi hàng tháng mà anh B phải trả trong 6 tháng đầu = 50.000.000 * 1% = 500.000 đồng
Số tiền lãi hàng tháng mà anh B phải trả từ tháng thứ 7 = 50.000.000 * 1,25% = 625.000 đồng
Như vậy, ưu điểm của lãi suất thả nổi là sẽ biến động theo lãi suất trên thị trường. Khi lãi suất trên thị trường giảm thì số tiền lãi hàng tháng mà khách hàng phải trả cũng sẽ giảm đi.
Nhược điểm là khách hàng sẽ khó dự tính được sự tăng (giảm) của lãi suất và đặc biệt khi lãi suất trên thị trường tăng sẽ khiến cho chi phí lãi vay sẽ tăng cao mà không được dự đoán trước, gây ra bất lợi cho khách hàng.
Lãi suất hỗn hợp
Đây là loại lãi suất kết hợp cả 2 loại lãi suất cố định và thả nổi. Sau một thời gian nhất định thì lãi suất cố định sẽ chuyển sang thành lãi suất thả nổi.
Ví dụ trường hợp anh B vay ngân hàng 500 triệu trong 10 năm thì cách tính lãi suất vay ngân hàng được áp dụng trong 2 năm đầu cố định là 9%/ năm và sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi là 11%/ năm.
Cách tính lãi suất vay ngân hàng theo 2 cách phổ biến hiện nay
Theo số dư nợ giảm dần
Cách tính lãi này sẽ được tính dựa trên số tiền còn lại sau khi trừ đi phần gốc mà người vay cần phải trả trong những tháng trước đó. Ta có các công thức tính dựa theo dư nợ giảm dần như sau:
- Số tiền gốc hàng tháng phải trả = Số tiền vay ban đầu/ Số tháng vay
- Số tiền lãi phải trả tháng đầu = Số tiền vay * Lãi suất vay theo tháng
- Số tiền lãi các tháng tiếp theo = Số tiền gốc còn lại * Lãi suất vay theo tháng
Ví dụ: Chị A vay ngân hàng 100 triệu đồng thời hạn 1 năm với mức lãi suất là 12%/năm tương đương với 1%/tháng.
- Số tiền gốc hàng tháng phải trả = 100 triệu /12 ~ 8.3 triệu
- Số tiền lãi phải trả tháng đầu = 100 triệu * 1% = 1 triệu
- Số tiền lãi phải trả tháng thứ 2 = (100 triệu – 8.3 triệu) * 1% = 917.000 đồng
Và tính tương tự với các tháng tiếp theo.
Theo số dư nợ ban đầu
Với cách tính lãi suất vay ngân hàng theo cách này thì số tiền mà người vay phải trả hàng tháng sẽ không thay đổi và cũng không bị ảnh hưởng bởi biến động của lãi suất trên thị trường.
Vì không có sự biến động về lãi suất nên số tiền mà người vay phải trả trong một năm là cố định dù lãi suất trên thị trường có tăng hay giảm. Đây vừa là ưu điểm và cũng vừa là nhược điểm của hình thức vay này.
Theo đó, mặc dù số tiền gốc vay hàng tháng có giảm đi nhưng số tiền mà người vay phải trả vẫn cố định mà không giảm.
Ta có công thức tính như sau:
- Số tiền lãi phải trả hàng tháng = Số vay gốc * Lãi suất tháng
- Số tiền gốc hàng tháng phải trả = Số tiền vay ban đầu / Số tháng vay
- Tổng số tiền phải trả hàng tháng = Số tiền gốc hàng tháng phải trả + Số tiền lãi phải trả hàng tháng
Ví dụ: Anh A vay 24 triệu đồng trong 1 năm với mức lãi suất là 12%/năm (tương đương 1%/tháng)
- Số tiền lãi anh A phải trả hàng tháng = 24 triệu * 1% = 240.000 đồng
- Số tiền gốc hàng tháng anh A phải trả = 24 triệu/12 = 2 triệu
- Tổng số tiền phải trả hàng tháng = 2.240.000 đồng.
Nên chọn cách tính lãi suất vay ngân hàng như thế nào?
Tùy vào nhu cầu sử dụng khác nhau mà có thể tham khảo cách tính lãi suất ngân hàng theo các hình thức khác nhau. Mỗi hình thức đều có những ưu và nhược điểm riêng mà chúng tôi đã nêu ra ở trên.
Thông thường, cách tính lãi suất vay ngân hàng trên dư nợ giảm dần thường được áp dụng cho các khoản vay nhằm mục đích sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng với hình thức thế chấp. Trong khi đó thì cách tính lãi suất vay ngân hàng trên dư nợ ban đầu sẽ không khuyến khích đối với các khoản vay tiêu dùng thế chấp.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về cách tính lãi suất vay ngân hàng cùng những ví dụ cụ thể để giúp khách hàng nắm rõ và hiểu biết hơn về các loại lãi suất và lựa chọn được khoản vay phù hợp với nhu cầu của mình.